Monday, September 9, 2013

Tân Định & Đa Kao

Những Con Đường Kỷ Niệm Thân Thương

Trần Đình Phước

Cho đến bây giờ, dù đã xa cách nhiều năm, nhưng trong tôi “Tân Định và Đa Kao” lúc nào cũng là một nỗi nhớ khôn nguôi. Chúng cứ thôi thúc tôi hoài. Đã bao năm qua tôi muốn tìm về chốn này, để sống lại với kỷ niệm thuở học trò, mà tình yêu khi đó “chỉ biết đôi mắt nhìn nhau cũng đủ rồi.” Tôi cứ hẹn nhiều lần, nhưng vẫn chưa bao giờ thực hiện được ước mơ của mình. Rồi một dịp tình cờ đưa đến. Giấc mơ đã trở thành hiện thực. Tôi đã có hai tuần lễ đi qua, đi lại, đi tới, đi lui, đi xuôi, đi ngược, trên những con đường kỷ niệm của Tân Định và Đa Kao. Điều làm tôi rất đỗi ngạc nhiên và thích thú nhất là tên nhiều con đường trong khu vực này vẫn không thay đổi.

Thật vậy! Sau 30 tháng 4, năm 1975. Một số tên đường của thành phố Sài Gòn thân yêu đã bị đổi bằng những cái tên xa lạ. Nay, được thấy lại các tên đường ở khu Tân Định và Đa Kao không bị thay đồi nhiều, trong lòng tôi bỗng nhiên dâng lên một sự xúc động mãnh liệt và một niềm sung sướng vô biên.

Xin mời các bạn cùng tôi tìm về những con đường kỷ niệm thân thương của khu Tân Định và Đa Kao với những bồi hồi, rung động khó quên của thời niên thiếu không bao giờ phôi pha, dù năm tháng có qua đi.


Cầu Kiệu

Trước hết, xin bắt đầu từ Cầu Kiệu với con đường Hai Bà Trưng đi về phía Sài gòn. Khoảng đường này, bên tay phải có hẻm Vựa Gạo, đi ra được hẻm 60 Cù Lao Yên Đổ, phòng khám mắt của Bác Sĩ Kính, tiệm bán Bông Cườm đám tang, thuốc cam Hàng Bạc hay nhà thuốc Nhân Phong Đường, số 447B HBT và tiệm cà phê Hải Nàm của người Việt gốc Hoa. Phía bên trái, dưới chân Cầu Kiệu có hẻm bán chó, kèm theo một đội chuyên săn bắt chó. Họ lùng sục khắp hang cùng ngõ hẹp trong thành phố, ra đến tận ngoại ô để tìm nguyên liệu chó, cung cấp cho các quán Cờ Tây. Nếu em chó nào đẹp, có giá trị thì chờ vài ngày cho chủ nhân đến tìm chuộc lại theo luật giang hồ. Rồi đến tiệm trà Phật Tổ, cây xăng nhỏ HBT, tiệm sơn Mậu Ký và cửa hiệu bán xe đạp cùng phụ tùng Đoàn Văn Thẩm, đa số sản xuất từ Pháp và Ý Đại Lợi. Các cua rơ rất thích đến tiệm này mua sắm.


Đường Trần Quang Khải

Quẹo trái ở ngã ba là đường Trần Quang Khải. Đầu đường là phòng mạch Bác Sĩ Hạnh, tịệm Bida TQK, về sau đổi thành Salon bán xe TQK. Sau đó là con đường nhỏ tên Nguyễn Hữu Cảnh, còn gọi là đường Xóm Chùa. Đầu hẻm, phía bên phải là chỗ mài dao kéo, tông đơ, rồi đến tiệm bánh cuốn Thanh Trì. Nằm đối diện là Hãng Sáo Công Ty, rồi tới trường Việt Nam Học Đường, số 38 đường Đặng Tất do thầy Kính làm Hiệu Trưởng và trường trung học tư thục Văn Lang, số 51 Trần Quí Khoách do thầy Ngô Duy Cầu làm Hiệu Trưởng. Thầy Cầu mất đúng ngày 30 tháng 4, năm 1975. Đối diện trường Văn Lang là Cư Xá Kiến Ốc Cục Tân Định, dành cho công chức. Đi vào phía trong là chùa Vạn Thọ và một số chùa nhỏ khác nằm rải rác. Ngoài ra có dãy phố mười căn và ban kích động nhạc thần đồng CBC.

Phía tay phải là quán cơm cây Điệp, kế bên là hãng sản xuất Gạch Bông và tiệm Bida có tên Vân Sơn. Nhìn sang bên đường là tiệm giặt ủi Tần Tiến, cho thuê xe xích lô đạp, làm bản kẽm Dầu, trường Trung Học Tư Thục Tân Thạnh của thầy Phan Út. Trưóc khi đi vào cổng trường, phải đi ngang bảo sanh viện Ngô Liêng. Hẻm trường Tân Thạnh đi ra được đường Đặng Dung. phía bên trái có khách sạn Đặng Dung và nhà thầy Ngô Duy Cầu, số 48A Đặng Dung.

Đi tiếp sẽ gặp chùa Cô Hồn hay Tân Hiệp Nam Nữ Hội số 186 TQK, cây xăng TQK, Photocopy Hoàng Sơn, xe nước mía chị Hai. Cô em gái tên D... một nữ sinh Lê Văn Duyệt rất xinh xắn và duyên dáng. Nhờ thế mà xe nước mía chị Hai lúc nào cũng tấp nập các nam thanh. Nhiều anh kêu một lúc hai, ba ly và tình nguyện rửa và dọn ly giùm.


Đình Phú Hoà

Đường Bà Lê Chân bên tay phải, ngay góc đường là quán cơm tấm Bình Dân của vợ chồng con trai nghệ sĩ lão thành Bảy Nhiêu. Kế bên có bà Sáu bán nước trà Huế và hai bàn đá banh tay lôi cuốn các học sinh kéo đến và thường gây ồn ào trước khi vào học và khi tan trường, đôi khi sinh ra ẩu đả vì cá độ, chọc quê nhau. Đối diện là Đình Phú Hoà, số 159 TQK nơi các đoàn hát bộ và cải lương thường đến tập và diễn tuồng. Nằm trên đường Bà Lê Chân phía bên trái có một hẻm nhỏ với ông Sáu Hộ chuyên bó bột trị trật xương, gãy xương, tay chân, tiệm Kim Thạch bán văn phòng phẩm, dụng cụ hoc sinh, nhà in Bùi Văn Tạ, bảo sanh viện Hà Đông Hà. Trước mặt có con đường mang tên Mã Lộ. Con đường này chạy song song phía sau chợ Tân Định. Đi thêm khoảng mười mét là đường Hai Bà Trưng. Nằm ngay góc Bà Lê Chân và HBT là Y Viện Tân Định. Sát bên là chợ Tân Định, hoạt động hầu như suốt ngày.

Từ Đình Phú Hoà nhìn sang bên kia là đường Trần Nhật Duật. Xe chè Huỳnh Thị Ngà nổi tiếng nằm ngay góc ngã tư đường. Đường này chạy dài tới khu nông cơ cũ. Cuối cùng chấm dứt bằng một đoạn sông nhỏ chảy ngang qua. Học sinh trốn học thường đến đây tắm sông, hái trứng cá và mướn ghe chèo ra đến Long Vân Tự, Gia Định.

Trên đường Trần Nhật Duật có bốn con đường nhỏ đi ngang qua. Thứ tự như sau: Đặng Dung, Đặng Tất, Trần Quí Khoách và Trần Khánh Dư. Riêng hai đường Đặng Dung và Trần Khánh Dư thì chạy dài được đến đường Trần Khắc Chân, còn gọi là xóm Cầu Mới, đi ra được đường Chi Lăng, Gia Định. Trên đường Trần Nhật Duật có tiệm chụp hình Nguyễn Kỳ nổi tiếng một thời trong giớí học sinh, họ thường đến đây chụp hình kỷ niệm, chân dung để dán trong lưu bút. Chủ nhân tiệm biết cách tô điểm, thêm thắt làm cho hình đẹp và giá trị hơn.

Nhà số 10 là trường Huỳnh Thị Ngà do Bà Huỳnh Thị Ngà là chủ, kiêm Hiệu Trưởng. Bà là một phụ nữ giỏi, đảm lược. Thời nào Bà cũng giao thiệp rộng trong các giới chức chính quyền và các Phong Trào Phụ Nữ. Bà biết chèo chống, điều hành và giữ vững ngôi trường Huỳnh Thị Ngà, mà chung quanh có nhiều trường trung học tư thục khác như: Văn Lang, Việt Nam Học Đường, Văn Hiến, Huỳnh Khương Ninh, Vương Gia Cần, Tân Thạnh, Les Lauriers. Các Hiệu Trưởng đều là nam giới thường ra sức cạnh tranh với trường bà. Trường HTN còn có nữ sinh Nội Trú. Trường lúc nào cũng đông học sinh, thi cử luôn luôn đạt thành tích tốt, thường tham gia các chương trình văn nghệ và công tác phục vụ cộng đồng. Trường hoạt động cho đến ngày 30/4/1975. Tính ra tồn tại trên hai mươi năm. Bà HTN mất cuối năm 1992 tại tiễu bang Virginia, Hoa Kỳ.

Đối diện trưòng Huỳnh Thị Ngà, góc đường Đặng Dung là nhà gíáo sư khiêu vũ Nguyễn Trọng ở trên lầu một, phía trưóc có cây me to. Học sinh các trường chung quanh thường leo lên hái, Những trái me được túm gọn lại trong áo sơ mi. Khi vừa trèo xuống, thỉnh thoảng bị các anh hùng xóm chợ Tân Định tịch thu hết chiến lợi phẩm. Lúc đó chỉ biết mếu máo, xin lại vài trái ăn cho đỡ ghiền. Cách đó vài căn là nhà Giáo Sư Pháp Văn Huỳnh Văn Mĩ. Thầy Mĩ nổi tiếng về dạy Pháp Văn, nhất là cách phân tích các mệnh đề. Thầy cũng là một trong những Võ Sư sáng lập môn phái Hàn Bái Đường. Không nghe nhắc về vợ thầy, chỉ thấy thầy đi chợ môt mình, hai tay xách cái gà mên. Thầy có con trai tên H. đẹp trai, giỏi võ và tốt nghiệp Bác Sĩ Quân Y. Thầy Mĩ mất ở Nam Cali năm 2004, hưởng thọ 93 tuổi. Học sinh trường Huỳnh Thị Ngà rất nể sợ thầy. Trong giờ thầy dạy không em nào dám hó hé vì thầy Mĩ rất nghiêm và khó. Em nào vô kỷ luật thầy sẵn sàng có biện pháp thích đáng ngay lập tức. Bà Huỳnh Thị Ngà là học trò hồi nhỏ của Thầy.

Bây giờ trở ngược ra đường Trần Quang Khải đi về phía Đa Kao. Trước khi đến một ngã năm. Phía bên phải là phòng nha khoa của một đôi vợ chồng. Vợ là Nha Sĩ tên Hạnh. Dáng người mảnh mai, trang nhã. Chồng là Không Quân Thiếu Tá Nha Sĩ Dương Quảng Định (phục vụ tại Trung Tâm Giám Định Y Khoa Không Quân.) Hai vợ chồng rất đẹp đôi. Đi thêm khoảng ba mươi thước gặp một Depot rác nhỏ. Đối diện là chỗ cho thuê sách, tiểu thuyết và truyện kiếm hiệp Đức Hưng, kế bên là tiệm hàn gió đá Sáu An, tiệm hớt tóc Hải Vân. Cách đó vài căn là nơi chuyên sản xuất xích lô đạp và xe ba bánh có tên Ngọc Quế.

Khi đến ngã năm, bên tay trái là đường Trần Khắc Chân, nhìn về phia tay phải là đường Nguyễn Phi Khanh và Trần Văn Thạch (nay là Nguyễn Hữu Cầu.) Có nhà may Tụ Bảo, tiệm buôn Thế Giới, nhà Bác Sĩ Trần Văn Văn, Cinéma Modern, nhà sách Yểm Yểm Thư Quán. Đối diện là xóm Cảnh Sát, vì đa số những gia đình ở đây đều phục vụ trong ngành Cảnh Sát và nhà Quái Kiệt Tùng Lâm. Hẻm này đi ra được đường Đinh Công Tráng. Căn nhà nằm ngay góc NPK và TVT của ông Bùi Ngọc Phương. Ông tự phong cho mình là vua dầu hoả Việt Nam và dự định ứng cử Tổng Thống VNCH. Nếu đi ngược chiều trên đường Nguyễn Phi Khanh, ngã ba đầu tiên là đường Huyền Quang. Sơn Trà Đình - Tín Nghĩa Hội, số 113A Nguyễn Phi Khanh nằm ngay góc. Mỗi năm vào dịp Lễ Vu Lan có trình diễn Hát Bô. Khán giả đi xem thường ném các quạt giấy có kẹp tiền lên sân khấu, để tưởng thưởng khi đến đoạn nào gây cấn, hấp dẫn. Lúc đó chiên trống gõ liên hồi. Đường Huyền Quang mang tên một vị Sư. Con đường dài khoảng hai mươi thước, đi hết đường Huyền Quang gặp đường Lý Trần Quán, quẹo trái là Chả Cá Lã Vọng. Cuối đường sẽ gặp Hiền Vương.

Ngã ba kế tiếp của đường Nguyễn Phi Khanh là Lý Văn Phức, có một Depot rác rất lớn. Các công nhân vệ sinh đưa rác về đây tập trung, trước khi các xe lớn đến chở đi tái chế và phế thải. Cuối đường là quán cà phê bà Chi, mà các bài viết về cà phê Sài Gòn cũ luôn luôn phải nhắc đến. Quẹo trái gặp rạp hát Casino Đa Kao, tiệm may Cao Minh và tiệm thạch chè Hiển Khánh. Đối diên bên đường là nhà hàng Pháp tên Casino, tiệm bán quân trang, huy hiệu Quế Anh. Nếu quẹo phải sẽ gặp tiêm hớt tóc Đơ, rồi đến Đền Thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, số 36 Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu), có bà thầy bói mù chuyên gieo quẻ bói bằng hai đồng xu.

Đoạn đường Trần Quang Khải từ đây ra đến đường Đinh Tiên Hoàng, tuy không dài lắm, nhưng có rất nhiều cửa hiệu buôn bán. Phía bên phải là Tiệm Thuốc Tây Duyệt, rồi đến bảo sanh viện Chung Nam Quế. Nơi các bà bầu khu Đa Kao và Gia Định thường đến khai hoa nở nhụy. Nhà kế bên của một phụ nữ rất mập. Bà hành nghề coi bói bài. Tiếp theo có hai tiệm bán phụ tùng và sửa xe Honda, rồi cà phê Ngọc Dung, số 77 Trần Quang Khải, của hai chị em tên Ngọc và tên Dung.


Đình Nam Chơn

Đi thêm một chút nữa sẽ gặp Đình Nam Chơn, số 29 TQK. Trước đình có thờ hình ông Cọp. Bên trái cổng, nằm trong sân đình có cây đa to, rễ đan với nhau chằng chịt. Có lẽ nó đã được trồng đã hơn trăm năm? Thêm vài bước nữa có một Phật Đường nhỏ của người Hoa, phía trước có hai cây Mai Tứ Quý đã già, hoa nở quanh năm. Phật Đường thuộc Giáo Hội Phật Đường Nam Tông có tên là Minh Sư Đạo Quang Nam Phật Đường. Kế bên là tiệm vàng Bảo Thành. Ngoài việc bán vàng bạc, nữ trang, cũng còn nổi tiếng về làm bánh Trung Thu, giò lụa, giò thủ và các loại bánh mứt. Trưóc 1975, bà Bảo Thành là chủ thầu các bãi giữ xe hai bánh lớn nhất Sài Gòn như: Trường Đại học Luât khoa ở đường Duy Tân, Nha Xổ Số Kiến Thiết ở đại lộ Thống Nhất, rạp hát Đại Nam trên đường Trần Hưng Đạo, và dọc theo hai bên đường Lê Lợi. Cách một căn là tiệm ăn Tàu có tên Dân Thiên, với các món mì xào dòn, áp chảo, cơm thố và cơm chiên Dương Châu tuyệt vời.

Tiếp tục phía bên trái. Đầu tiên là chi cuộc cảnh sát Tân Đinh. Kế bên là Đình Nghĩa Hoà được xây dựng vào năm 1917. Bà con thường gọi là Đình Công Thành Ban. Nơi đây chuyên trình diễn hát bộ. Trước đình có thờ một ông Cọp. Hẻm Đình Nghĩa Hoà đi thông ra được đường Trần Khắc Chân. Tiếp theo sẽ đến một dãy phố, có tiệm Ronéo Lửa Hồng quay ronéo, đánh máy và photocopy bài vở, tài liệu cho các học sinh và thầy cô giáo. Tiệm nhộn nhịp nhất vào mùa thi cử. Ngoài ra cũng còn bán những bản nhạc quay ronéo sẵn, giá rất bình dân. Cách đó vài căn là một tiệm bán hòm, tiệm may Của, rồi đến nhà bà con với ông chủ rạp hát Văn Hoa. Nổi tiếng ở đoạn đường này là tiệm cầm đồ bình dân Kim Ngân. Bà chủ lúc nào cũng trang điểm lộng lẫy như các cô đào cải lương Thanh Nga hay Bạch Tuyết sắp lên sân khấu. Chung quanh cũng có nhiều tiệm cầm đồ, nhưng Kim Ngân thường đông khách hơn vì tiệm cầm mọi mặt hàng, cho chuộc với phân lời tương đối thấp và thủ tục không phức tạp so các nơi khác.


Cầu Bông

Đi thêm khoảng hai mươi mét nữa là một con hẻm lớn, có thể nói là nổi tiếng nhất vùng Tân Định - Đa Kao. Đó là hẻm Vạn Chài. Đây là địa điểm quy tụ anh hùng hào kiệt tứ xứ về hùng cứ. Mỗi lần chính quyền mở các cuộc hành quân cảnh sát để bắt thanh niên trốn quân dịch hay cư trú bất hợp pháp thì xe cộ, súng ống rầm rộ, ca nô, thuyền nhỏ chạy dài dọc theo sông cầu Bông, đèn pin chiếu pha sáng cả một vùng. Cuối cùng, kết quả chẳng đưọc gì hết! Vì thanh niên trốn quân dịch đã nhảy xuống sông, lặn qua bên phía Gia định, hoặc trốn trong các con hẻm sâu, tối tăm, quanh co khó đi vào. Lực lượng kiểm soát đành bó tay và chào thua! Đặc biệt, trong hẻm có một trường trung tiểu học tư thục mang tên Văn Hiến do thầy Phan Ngô làm hiệu trưởng. Thầy cũng từng ra ứng cử và đắc cử nghị viên thành phố Sài Gòn.

Ra khỏi hẻm, quẹo trái là gặp ngay rạp hát Văn Hoa. Rạp này đã từng một thời là một trong những rạp hát sang trọng của Saigon vì có trang bị máy lạnh, màn ảnh rộng và giá vé vào cửa cũng tương đối bình dân. Rạp Văn Hoa chiếu đủ các loại phim. Những lúc chiếu phim mới và hấp dẫn, bà con sắp hàng rồng rắn, kéo dài tới tận trước ngỏ xóm Vạn Chài. Khán giả nào không muốn sắp hàng, không muốn chen lấn đổ mồ hôi, để bị rách quần, rách áo hoặc bị rạch bóp, thì có thể mua vé chợ đen, đôi khi phải trả gấp đôi. Cũng nên nói thêm ở đây. Kế bên rạp hát là một quán cà phê cũng mang tên Văn Hoa, đã đi vào lịch sử của cà phê Sài Gòn. Quán có dàn âm thanh tối tân, nhạc ngoại quốc hấp dẫn luôn luôn cập nhật, chỗ ngồi thanh lịch, vị trí thuận lợi và do hai chị em ruột là bà con với ông bà chủ rạp Văn Hoa đứng bán.

Cô chị có tên TBD và cô em có tên TBH. Hai chị em đều là nữ sinh trường trung học Huỳnh Thị Ngà. Lúc nào đi học, cả hai cô đều mặc đồ đầm rất xinh xắn. Trông giống búp bê không tình yêu. Nghe đâu cũng có khối anh đến uống cà phê thường xuyên mỗi ngày, trong số đó có anh là ca sĩ một ban kích động nhạc nổi tiếng về bài hát Sunday Morning. Ngày nào anh ta cũng đến quán ngồi đồng, vừa thuởng thức cà phê, vừa trồng cây si cô em TBH. Nhưng chẳng đi đến đâu! Gia đình Cô TBD hiện ở Montréal, còn gia dình cô TBH từ Montréal chuyển về Pleasanton, California.


Quán Cơm Xã Hội

Đoạn đường còn lại, phải nhắc đến một quán cơm Xã Hội, chuyên phục vụ cho giới lao động, công tư chức với đồng lương thấp và học sinh, sinh viên nghèo. Giá rất bình dân, chỉ năm đồng. Thực đơn gồm ba món thay đổi thường xuyên. Cơm ăn thoải mái, ăn cho đến khi nào no bụng thì thôi! Ngoài ra, còn đưọc tặng thêm một trái chuối tráng miệng và ly trà thơm, nóng bốc khói. Sau đó phải kể thêm hai tiệm bán xi măng, gạch, cát và đá rất lâu đời là Tấn Phát và Tâm Long, tên của vợ và chồng được ghép lại. Tiệm bán vật liệu xây dựng Tâm Long số 8 TQK và tiệm vàng Bảo Thành số 9 TQK. Hai tiệm nằm đối diện nhau. Hai bên gia đình coi nhau rất thân tình và đều đông con. Lúc nào cũng có ý muốn làm thông gia với nhau. Nhưng rất tiếc các dâu và rể của cả hai nhà đều là những người ở nơi khác. “Đúng là duyên số sắp đặt.” Dù có muốn thế nào, cũng không được!

Một chút nữa thì bỏ sót tiệm may áo dài tương đối nổi tiếng là Phương Luân, hiệu ảnh Ngọc Chương, cà phê Cây Trúc nằm ở kế bên. Đi hết đường Trần Quang Khải sẽ gặp đường Đinh Tiên Hoàng. Quẹo trái đi ra cầu Bông, sẽ găp một quán bán thịt gà vịt và heo quay rất đông khách. Cạnh đó là một tiệm chuyên sửa xe Vespa và Lambretta. Nhìn sang bên kia đường là tiệm giầy Đông Hưng và nhà may áo dài Thanh Châu. Tiệm mang tên người con gái lớn nhất. Nhà may Thanh Châu khá nổi tiếng, chuyên may áo dài cho các ca sĩ và áo cưới cô dâu. Hiện nay tiệm may Thanh Châu vẫn còn và có rất nhiều khách đến mỗi ngày.

Bên kia đưòng Trần Quang Khải là đường Nguyễn Huy Tự. Phía tay phải có chợ Đa Kao. Trước khi tới chợ Đa Kao, sẽ gặp một gánh chè chỉ bán đậu đen. Bà bán chè, người miền bắc di cư, tướng trông phúc hậu. Bà chỉ bán vào buổi chiều. Chè đậu đen bà nấu, hạt rất dẻo, hương vị ngọt đậm đà. Thú vị nhất là “ngồi chồm hổm” ăn chè nóng dưới cơn mưa lất phất của Sài Gòn, vì không có ghế cho khách.


Chợ Đa Kao

Một con đường chạy ngang chợ Đa Kao là đường Trương Hán Siêu. Bên trong có đền thờ nhà cách mạng Tây Hồ Phan Chu Trinh và quán bánh cuốn tráng hơi mang tên Tây Hồ. Bà chủ bánh cuốn tên là bà Cà. Bà khởi nghiệp năm 1960, bằng một cái quán xập xệ, một ít bàn ghế thấp lè tè và mấy tấm bạt cũ để che mưa. Nằm trong chợ, phía dãy chợ cá có Đình Hoà Mỹ, số 7 THS.

Đối diện chợ Đa Kao là Tín Nghĩa Ngân Hàng. Khi chiều đến, ngân hàng đóng cửa thì xuất hiện một gánh cháo lòng, mà bà chủ rất khó tánh. Bà luôn luôn ưu tiên bán trước cho nam gìới, còn nữ gìới thì bà thường bắt phải đợi. Nếu thắc mắc, khiếu nại thì bà im lặng, không trả lời. Có nghĩa là bà không muốn bán. Các nữ thực khách đành phải đi nơi khác.

Đường Nguyễn Huy Tự rất ngắn, khoảng chừng ba mươi thước. Chấm dứt khi đụng đường Nguyễn Văn Giai. Chạy thẳng là đường Phạm Đăng Hưng (nay là Mai Thị Lựu.) Đi hết đường quẹo trái là Đài Phát Thanh Sàigòn. Trên đường PĐH có Viện Nhu Đạo Quang Trung của Thượng Toạ Thích Tâm Giác. Nguyên Giám Đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo. Đối diện với Viện Nhu Đạo Quang Trung là một ngôi chùa lâu đời của người Hoa, mang tên Phước Hải Tự hay còn gọi là Chùa Ngọc Hoàng, số 73. Đặc biệt, trong chùa có nhiều cây cổ thụ lớn tuổi, một cái hồ lớn. Nhà chùa cho thả rất nhiều rùa, có những con sống đã vài chục năm trở lên. Mỗi khi các bó rau được thả xuống hồ cho chúng ăn thì cả hồ náo đông, nước bắn lên tung toé, vì các chú rùa giành ăn tạo nên.

Đường Nguyễn Huy Tự, quẹo trái là đường Bùi Hữu Nghĩa. Có một cây cầu sắt cũ. Đi về phía chợ Bà Chiểu, Gia Định. Nếu quẹo phải sẽ găp đường Nguyễn Văn Giai. Đi hết đường Nguyễn Văn Giai sẽ gặp đường Đinh Tiên Hoàng. Nhìn sang phía bên kia đường là đường Huỳnh Khương Ninh. Bên trái là rạp hát Asam, nay đã xây thành chung cư và tiệm thuốc tây Lịch Cường. Pharmacy mang tên của Dược Sĩ Tống Lịch Cường. Đầu đường Huỳnh Khương Ninh, có xe bánh mì Bảy Quan với bánh mì thịt, dăm bông và ba tê rất độc đáo. Hiện nay đầu đường HKN là hai tiệm bánh cuốn mang tên Tây Hồ do con gái bà Cà chiếm ngự. Trên con đường này có trường trung học Huỳnh Khương Ninh. Đi hết đường Huỳnh Khương Ninh sẽ gặp đường Phan Liêm. Đường chạy dọc theo bên hông Nghĩa Trang Mạc Đĩnh Chi.

Trên đường Đinh Tiên Hoàng giữa khoảng đường Phan Đình Phùng và Phan Thanh Giản có đường Tự Đức (nay là Nguyễn Văn Thủ), trường tiểu học Đa Kao, thêm hai nhà hàng Pháp nổi tiếng là Chez Albert và La Cigale. Ngoài ra, cũng phải kể thêm hai quán cà phê đã đi vào gia phả Cà Phê Sài Gòn trước năm 1975. Quán thứ nhất là cà phê Hân mà tất cả mọi thứ đếu làm bằng Inox từ phin, muỗng, tách đựng đường, đựng sữa. Quán thứ hai là cà phê Duyên Anh. Quán mang tên nhà văn Duyên Anh, nhưng hoàn toàn không dính dáng đến nhà văn này. Cô bé ngồi tính tiền tên Q. có nụ cười xinh xinh, đôi mắt tròn, đen láy và tóc dài thắt bím rất dễ thương. Cô làm cho bao nhiêu đấng anh hùng mê mệt. Cô cũng còn là đề tài cho các chàng thi sĩ tài tử đến vừa thưởng thức cà phê, vừa làm thơ sầu mộng. Nhưng chẳng anh nào lọt được vào đôi mắt nai tơ của nàng!

Khu Đa Kao có thể kể thêm những con đường tên vẫn như cũ: đường Nguyễn Bỉnh Khiêm có Nha Tổng Giám Đốc Trung Tiểu Học và Bình Dân Giáo Dục, hai trường Trung Học Công Lập Trưng Vương, Võ Trường Toản, hồ bơi Nguyễn Bỉnh Khiêm và các sở và nha An Ninh Quân Đội. Đưòng Phan Kế Bính có Hội Văn Hoá Bình Dân do ông Huỳnh Văn Lang Tổng Giám Đốc Viện Hối Đoái làm Chủ Tịch. Đường Mạc Đĩnh Chi với Bi Da và nhà hàng Trường Cang, Hội Việt Mỹ và Ty Cảnh sát Quận Nhất. Đường Trần Cao Vân, Phan Tôn, Phan Ngữ, Trần Doãn Khanh, Cây Điệp, Nguyễn Thành Ý. Đường Hoà Mỹ gần ngã tư Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Phi Khanh và Hiền Vương có cây cổ thụ rất to kế bên. Đường này nằm đối diện với tiệm chuyên làm con dấu, làm bảng tên, thêu cờ và bán các huy hiệu Hướng Đạo Việt Nam tên Phúc, số 180 ĐTH. Phải kể thêm một con đường tương đối đẹp và thơ mộng là đường Phùng Khắc Khoan với tư gia Đại Sứ Hoa Kỳ. Con đường trồng toàn những cây me. Khi có gió nhẹ, những lá me rơi rơi rất hữu tình và thơ mộng!


Nhà Thờ Tân Định

Cuối cùng trở về khu Tân Định. Xin chỉ ghi ra những con đường không bị đổi tên là: Nguyễn Văn Mai nối hai đầu đường Hai Bà Trưng và đường Huỳnh Tinh Của có trường tiêu học con trai Tân Định, nhà thuốc Đỗ Phong Thuần và xóm Hầm Sỏi danh tiếng trong vùng. Một con đường nữa là Đinh Công Tráng, với món bánh xèo vang danh, trường (Tân Thịnh, Les Lauries, Văn Minh) và tiệm chụp hình Duy Hy, số 76 ĐCT. Tiệm chuyên chụp hình cho học sinh các trường tiểu học công lập để làm kỷ yếu mỗi năm. Ngay góc Hai Bà Trưng và Đinh Công Tráng là tiệm thuốc Kính Tiên, số 274 HBT. Nếu quẹo phải có Luyến Photo và lò dạy nhạc của ba nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng. Được ghép lại là Lê Minh Bằng. Nhạc sĩ Lê Dinh hiện ở Canada, nhạc sĩ Anh Bằng đang ở Hoa Kỳ, còn nhạc sĩ Minh Kỳ đã mất tại Suối Máu - Biên Hoà. Nếu quẹo trái thì gặp tiệm giầy Trinh Shoe, hai tiệm bán hòm Vạn Thọ và Tobia, hẻm Bưu Điện đi ra được đường Hiền Vương. Gần đó có tiệm chuyên làm cửa sắt, máng xối của gia đình hai anh em cua rơ Trần Gia Thu và Trần Gia Châu. Đối diện bên kia đường là cà phê Thu Hương cũng có tiếng tăm ở Sàigòn, nhà thờ Tân Định, số 289 HBT và trường Thiên Phước, số 295 HBT. Phía sau nhà thờ Tân Định có một cổng sắt thường đóng lại, chỉ để hở đủ cho một người len qua. Khi nào có lễ ở nhà thờ thì lúc đó cửa mới được mở lớn ra. Đi qua cổng này sẽ gặp trường La San Đức Minh, cũng như đường Hiền Vương, đường Pasteur và đường Huỳnh Tịnh Của.


Đường Pasteur

Ngoài ra, cũng xin kể thêm đường Pasteur. Con đường đi ra được Huỳnh Tịnh Của, Hai Bà Trưng, Hiền Vương. Nơi đây có nhiều tiệm phở, quán cà phê Hồng của hai chị em, nhà may áo dài Thiết Lập và viện Pasteur, chiềm một chu vi rất rộng, có bốn con đường bao quanh, với những cây cổ thụ to đến nỗi năm, sáu người ôm vẫn không xuể.

Ngay ngã ba Nguyễn Đinh Chiểu (nay là Trần Quốc Thảo) và Pasteur, có một cái mả đá rất lớn được xây bằng đá ong đã bị giải toả. Nằm cuối bên kia đường là một trong những trường dạy Anh Văn đâu tiên của Sàigòn tên Khải Minh. Quẹo trái ra đường Công Lý, có hãng xe đò tên Cosara của ông Phạm Hoè. Quẹo phải ra chợ Tân Định và Y Viện Tân Định. đi ngang xóm đạo Pasteur. Nếu nhìn sang sẽ thấy cây Phượng Vĩ bốn người ôm không hết. Cây cho hoa Phượng màu đỏ nở rực vào mùa hè và những người thợ hớt tóc bình dân đang hành nghề cho bà con lao động, dưới bóng mát của tàn cây Phượng Vĩ.


Phở Hoà Pasteur

Kế tiếp là Sài Gòn Ấn Quán, tiệm Phở Hoà Bình, nhà may Hồng Duyệt. Giữa tiệm phở và nhà may là môt con hẻm nhỏ số 29, có nhà của Hoạ Sĩ Đinh Cường ở đầu ngõ, đi sâu vào trong một chút là nhà của nữ Văn Sĩ Thụy Vi, rồi đến tiệm thuốc Bắc tên Đại Cồ Việt rất nhiều con. Trong số đó có một cô tên Mẫn, sinh viên Đại Học Văn Khoa. Cô có nước da trắng, dáng cao, nét hơi lai. Một thời cô Mẫn nổi tiếng về xem bói bài, được nhiều người nể phục. Khách đến xem rất đông, phải lấy số thứ tự để chờ đến phiên mình được xem bói. Nhìn đối diện là trường Nữ Tiểu Học Đồ Chiểu.

Để kết thúc bài viết xin được ghi ra một điều kỳ diệu, huyền bí không thể giải thích được: “Tân Định và Đa Kao có lẽ là vùng đất an lành nhất của Sàigòn, Chợ Lớn và Gia đình.” Được ơn Trên, Trời Đất, Ông Bà che chở và phù hộ, cho nên lúc nào bà con cũng sống trong bình yên. Mọi sinh hoạt gần như hai mươi bốn giờ. Cho dù trong lúc chiến tranh, thiên tai, loạn lạc hay bất cứ biến cố gì xảy ra cũng không ảnh hưởng đến địa danh này!

Xin phép được dừng ở đây. Hy vọng các bạn đã tìm lại được một chút hương xưa của ngày tháng cũ năm nào! Một lần nữa Tân Định và Đa Kao mãi mãi trong tiềm thức của chúng ta.

Trần Đình Phuớc

(San José - California - 2013)




4 comments:

  1. Cám ơn tác giả đã Trần Đình Phước đã ghi lại những nẻo đường của vùng Tân Định thân thương không bỏ sót một góc cạnh nào của vùng Tân Định Dakao và đã nhắc nhở người học sinh xa xưa mỗi ngày đã băng qua Cầu Kiệu để đến trường Trung học Văn Lang và đã từng ăn ly đậu đỏ bánh lọt Huỳnh Thị Ngà, thạch chè Hiển khánh và chụp những kiểu hình của anh chị em sinh viên Ngujyễn Kỳ.
    Cám ơn nhhiều

    ReplyDelete
  2. Hi Phước
    lien lạc vơí xưa dây là Huy học chung với bạn truong Huynh thi Nga 68-69 đệ nhứt ..thanks Huy
    Bono777X@gmail.com

    ReplyDelete
  3. Cám ơn chú đã cung cấp 1 tư liệu quý giá về vùng đất Tân Định và Đa Kao thân yêu.

    ReplyDelete
  4. Cho MH théc méc là cái mả đá to lớn giua Pasteur va Huynh Tinh Cua là mả của Ai vay ???

    ReplyDelete

Cám ơn bạn đã ghi cảm tưởng!