Monday, March 11, 2013

Bi-zi-nét, Bi-zi-nét

Chu Văn Hải

Chu Văn Hải

Cách nay mấy năm, nhân dịp có công chuyện đi New York, tôi có gặp Nó.

Đang lang thang trên phố Tàu tìm chỗ điểm xấm thì Nó gọi giật tôi. Lúc đầu tôi không nhận ra Nó. Bao nhiêu năm rồi còn gì. Hồi ở quân trường hai thằng cùng một trung đội, cũng khá thân. Ra đơn vị mỗi thằng một nơi, lâu lâu mới gặp nhau cho tới tháng Tư. Trong tù dường như hai thằng có gặp nhau một bận, đứng bên hàng rào kẽm gai ngăn đôi hai trại phất phất tay nhau.

Thấy nó đứng trước một quán cỡ mét rưỡi năm mét, bán túi xách tay trong khu phố Tàu, tôi hỏi quán này của mày hả, Nó gật đầu. Khá không?

- Đừng thấy bé tí này mà chê nha mảy, tiền không đó.

Vẫn như xưa, nó có cách phát âm chữ ‘mày’ rất độc đáo, không phải dấu huyền mà là dấu hỏi, nửa Nam nửa Bắc, một thứ trade mark của nó.

Rồi nó kể đại khái tôi còn nhớ lõm bõm. Ra khỏi tù là nó kiếm chỗ đi chui mấy lần mới qua được tới Mỹ. Lúc đầu nó định học điện tử theo lời khuyên của những người đi trước, không ra kỹ sư thì ít nhất cũng là một anh chàng tech, nhưng học được gần một năm nó mới nghiệm ra một điều, xứ Mỹ là xứ của Bi-zi-nét, phải làm Bi-zi-nét mới khá được.

Nó nói chữ “nét” thiếu âm cuối có “s” giống như phần đông những người Việt trung niên không sinh đẻ ở Mỹ, ít để ‎ý đến âm cuối của tiếng Mỹ.

Nó bắt đầu sự nghiệp Bi-zi-nét bằng chân đứng bán hàng cho người chủ Tàu cũng có một cái quán giống như cái quán mà nó đang làm chủ bây giờ. Vài năm sau học được tất cả các ngón nghề của người chủ Tàu, vừa để dành được chút tiền, vừa có bà con làm ăn khá cho vay, nó tách chủ và thuê một cái quán, là cái quán hiện nay.

Hôm tôi gặp nó thì coi như nó đã trả hết nợ nần từ khuya và có của ăn của để. Nó nói buôn bán túi xách tay phụ nữ coi như một lời một. Toàn là hàng nhái Made in China, thỉnh thoảng nó cũng phải đi sang bên đó để đặt hàng, mỗi lần nó nhập về Mỹ cả container, vì nó còn bỏ mối cho những chỗ khác, có mối ở tiểu bang khác.

Thành phố New York không bao giờ ngủ, đất du lịch nên khách thập phương bá tánh, lúc nào cũng như trẩy hội. Khách hàng đông nhất của nó là đám phụ nữ du khách từ Đông Âu, thấy túi có logo của những nhà thời trang nổi tiếng, thôi thì Gucci, LV, Chanel, Coach… nên mê lắm. Họ cũng biết là hàng nhái, nhưng giá rẻ, đi du lịch Mỹ mang về Đông Âu vài cái, vừa đeo lấy le, vừa tặng chị tặng em cũng khá oách xì xằng.

Hỏi nó có hay liên lạc với các bạn cùng khóa, nó nói New York này chẳng có ai, mấy thằng bạn thân đều ở tiểu bang khác. Hỏi nó có tham gia các hội đoàn cựu quân nhân ở địa phương, nó nói khi nào có kêu gọi đóng góp gì thì nó đóng góp, chứ nó ít đến các buổi lễ, các buổi văn nghệ lắm.

“Mày thấy tao đầu tắt mặt tối bảy ngày một tuần thế này thời giờ đâu mà đi những chỗ đó. Mày phải hiểu xứ Mỹ này muốn khá thì phải Bi-zi-nét, Bi-zi-nét.”

Bẵng đi mấy năm không gặp, tuần rồi tôi đưa vợ con du lịch thủ đô Washington. Khi đi bộ tà tà dừng chân ở một xe hot dog định mua nước uống, tôi lại gặp nó. Lần này nó làm chủ một xe hot dog.

- Tao tưởng mày vẫn còn ở New York?

- Không, sau lần gặp mày ở đó vài tháng tao sang cái quán và về Việt Nam.

- Tại sao sang cái quán đó vậy?

- Nhiều l‎‎ý do lắm. Mấy công ty lớn sản xuất túi xách tay thứ thiệt nó đi thưa, buộc cảnh sát phải đi bố ráp hàng nhái. L‎‎ý do nữa là bọn băng đảng ở đó đi thu hụi chết quá nặng, vừa băng đảng Tàu vừa băng đảng Ý, tao nản quá. Nhưng nản nhất là vợ tao nó trách tao cứ lao động cu li tối ngày, không chịu enjoy cuộc sống, nó cứ nằng nặc đòi ly dị. Cuối cùng tao cũng đành chấp nhận, chia đôi tài sản, vợ tao đem hai đứa con về Cali sống với bà con bên đó.

- Sau đó mày về Việt Nam?

- Đúng, còn được mớ tiền tao về bên đó tậu được một cái nhà ở Phú Nhuận và hai chiếc xe truck. Cái nhà định ở còn xe truck thì cho người ta mướn cho có income lấy đó mà sống phây phả. Cũng là Bi-zi-nét mà.

- Nhưng Việt Cộng chưa cho Việt Kiều như bọn mình mua nhà mà?

- Bởi thế tao mới phải nhờ vợ chồng thằng em ruột bên đó đứng tên.

- Chắc là sẵn dịp kiếm vợ nhí hả?

- Không đâu mày ơi, tao nản đàn bà lắm rồi, khi nào cần thì ăn bánh trả tiền cho nó khỏe.

- Nhưng sao mày quay về đây lại?

- Căn nhà nhờ vợ chồng thằng em ruột đứng tên nó cứ kiếm chuyện này chuyện nọ tối ngày. Tụi nó cứ tưởng mình mua căn nhà trả cash cái rụp như vậy thì tài sản mình chắc còn gấp mấy lần như thế. Tụi nó cứ kiếm cớ này cớ nọ, chỉ muốn tống cổ mình đi cho khuất mắt, vì chúng nó nắm tẩy mình chẳng làm gì được nó. Còn hai chiếc truck cho mướn để người ta chở vật liệu xây cất đi chỗ này sang chỗ khác, tỉnh này sang tỉnh khác thì mỗi khi xe hư chạy tìm đồ part muốn chết luôn, người thuê xe cứ than lỗ, cứ bị công an đòi bồi dưỡng hoài, thấy mấy tay mướn xe mếu máo quá tao cũng không nỡ. Rút cục tao coi như mất căn nhà, mất tình anh em, còn hai chiếc xe đem bán tống bán tháo ôm đầu máu chạy về lại bên này.

- Và bây giờ mày là chủ nhân chiếc xe bán hot dog này.

- Đúng vậy, đừng tưởng chiếc xe xập xệ mà coi thường nhe mẩy, tiền không đó. Washington cũng là thành phố du lịch, mùa hè du khách đổ về đông, tao lượm tiền mệt nghỉ. Một lon coke tao mua giá sỉ chưa tới 25 xu, mùa hè du khách đứng xếp hàng dài, trời nóng đổ mồ hôi cha mồ hôi con, đến lượt mua tao chặt đẹp hai đô một lon, chê mắc hả, đi xe khác các con sẽ xếp hàng tiếp có chịu được không, thế là con nào con nấy đành è cổ ra trả giá cắt cổ để giải khát, một đi không trở lại tao cũng đâu cần. Đó là mùa hè du khách đông. Còn mùa lạnh du khách vắng thì tao bớt đi bán, mình đi du lịch Florida, Cali, Bangkok, Tàu hay Việt Nam.

- Tao cũng mừng cho mày.

- Chưa hết nhe mảy. Xe hot dog của tao cũng ăn tiền vào mấy dịp biểu tình lắm nha. Xứ Mỹ tự do này có nhiều vụ biểu tình lắm à, người ta có nhiều lý do để biểu tình, mà hễ biểu tình thì ai cũng muốn tổ chức ngay tại thủ đô này mới là bảnh, thành thử mấy xe hot dog ở DC như tao có dịp ăn theo đám biểu tình. Dân Mỹ này hay thiệt. Mỗi khi nghe biểu tình là họ tham gia thật đông, tiểu bang nào cũng có người về dự. Ít thì vài ngàn người, đông thì cả vạn, cả trăm ngàn. Biểu tình thì biểu, cũng phải đói bụng, khát nước đúng không? Thế là các cậu các mợ hò hét chán chê cũng phải dừng lại mấy xe hot dog như tao.

- Và mày lại chặt đẹp?

- Đúng vậy! Ngoài soda và thức ăn nhanh, tao còn bán mấy món lưu niệm của đoàn biểu tình, từ phù hiệu, huy hiệu, biểu ngữ dán xe, bút mực, cho đến áo T-shirt. Tùy theo mục tiêu của đoàn biểu tình là gì thì mình bán loại lưu niệm phù hợp. Trong khu DC này có các vựa bán sỉ, chúng nó nắm bắt tình hình, biết trước tuần nào có biểu tình, mục đích của đoàn biểu tình là gì, thành thử tụi nó chuẩn bị sẵn hàng họ cả rồi. Ví dụ tuần này biểu tình chống phá thai thì mình bán mấy đồ lưu niệm tượng trưng cho ‘pro life’. Còn tuần tới có biểu tình của nhóm ủng hộ phá thai thì mình phải bày những món mang ‎ý nghĩa của ‘pro choice’ mới có ăn. Xứ Mỹ này mày muốn khá thì phải biết Bi-zi-nét, tất cả chỉ là Bi-zi-nét, mày hiểu hông?

Cũng giống như lần đầu tiên tôi gặp nó ở New York cách nay nhiều năm, nó vẫn phát âm chữ ‘nét’ không có âm ‘s’ một cách vô tư.

Chu Văn Hải




5 comments:

  1. Còn ai nữa, cái thằng tao kiếm mấy năm nay, Hải cho tao d/t của nó,

    ReplyDelete
  2. Tôi gặp nó ở ChinaTown, NYC, khoảng '79-'80 gì đó. Lần đầu nó dẫn về nhà nó bên New Jersey. Nó khoe một năm nó kiếm khoảng $70K mà vẫn còn hưởng trợ cấp chánh phủ. Về nhà nó mở bao tiền nhét mấy sấp giấy bạc dưới nệm giường. Anh nó lúc trước 75 hoc QGHC hay Luật gì đó làm Nha Thuế Vụ giàu có, qua đây định đi học Luật lại nhưng thấy nãn nên cũng đi theo nó bán chợ trời Canal Street chắc ăn hơn. Lần sau gặp lại nó khoe sang được cái sạp (cái bàn dài khoảng 1.5m) trước một tiêm buôn Tàu trả khoảng $2K-3K/tháng, tối gởi vô trong tiệm khỏi phải khuân vác mấy món hàng về nhà nặng nhọc như trước. Vọ nó cũng có sạp gần đó bán quần aó còn nó bán đồng hồ, quà du lịch v.v...Nhằm cuối tuấn nó bận rộn đến không có thì giờ nói chuyện chơi, vì phải vừa bán hàng, thu tiền, vừa để mắt theo dỏi dợ tụi rệp ăn cắp tráo hàng bỏ chạy. Nên từ đó cũng ít gặp. Một lần khác đi ngang vừa nói hello là nó nhờ đứng giữ hàng để nó chạy đi giải quyết chuyện cá nhân. Thiệt thấy nó làm ra nhiều tiền mà không sướng tấm thân chút nào. Nhưng nó là người bi-zi-nét thứ thiệt nó ăn-doi chuyện làm ăn tiền vô tiền ra.
    Không biết nó có đọc được mấy dòng nầy không. Nếu đọc được ráng thu xếp về CA tham dự RU45 cho vui.
    HBT

    ReplyDelete
  3. Toi có gặp nó 1 lần khi nó về dự RU tổ chức trong park ở Irvine , lâu rồi toi không nhớ năm nào , chỉ nhớ là cái miệng nó nói tía lia...

    ReplyDelete
  4. Cám ơn Hải và TBT đã cho biết thêm tin về anh. Đúng như anh Châu Cay nói, tôi cũng gặp anh ấy tại RU Irvine, chắc gần chục năm rồi. Chung trung đội 381 với tôi thì phải.

    Rất mong được gặp gỡ tất cả các bác trong RU-45

    ReplyDelete

Cám ơn bạn đã ghi cảm tưởng!