Reunion 2014
September 26, 2014
Sinh Hoạt Tiền Phi
1, 2, 3 Dzô!
Click on the video below to play!
Trước hết, xin cáo lỗi các bạn CVA. Bài viết vừa rồi của tôi về Tổng Thống Obama (Note của BBT: Không đăng trên blog này), không ngờ đã gây ra những tranh cãi không cần thiết. Thật sự, tôi chỉ muốn đơn thuần trình bầy quan điểm của mình và mong mỏi có được những quan điểm phản biện. Nhưng đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao chúng ta phải dùng tiếng Mỹ để đối thoại với nhau? Các cụ muốn khoe tiếng Mỹ, hay đã quên tiếng Việt, hoặc tiếng Việt của chúng ta giản dị quá, không đủ để tranh luận? Bài viết sau đây hoàn toàn là tưởng tượng. Xin các bạn chớ động lòng, nhất là những bạn đã dùng nghề bảo hiểm làm cần câu cơm! Xin quý bạn nhớ hộ, đây chỉ là một bài viết vui, nhằm mục đích giảm bớt căng thẳng gây ra bởi bài viết nêu trên mà thôi. Xin đa tạ! Nguyễn Giang |
Có một định nghĩa về Life Insurance rất chính xác như sau : "Life insurance is a contract that keeps you poor all your life so that you can die rich" - Bảo hiểm nhân thọ là một hợp đồng khiến bạn nghèo suốt đời, để bạn có thể trở nên giầu sau khi chết. Hồi mới qua, tôi có share phòng của một ông cựu Trung Tá. Ông ta vừa bị "lay off." Ở Mỹ, nếu miễn cưỡng phải về nhà đuổi gà cho vợ, thường chúng ta có 2 options: Nếu có vốn thì mở cơ sở thương mại, bằng không thì nhẩy ngay vào 2 nghề, bảo hiểm và địa ốc. Thế là ông chủ nhà của tôi bèn nhẩy ngay vào nghề bảo hiểm nhân thọ. Suốt ngày ông ta bốc điện thoại gọi cho họ hàng và bạn bè: - Sao, dạo này anh và gia đình khỏe không? Rồi không cần đợi đối phương giải bầy khúc nhôi, ông ta hỏi ngay: - Thế đã mua bảo hiểm nhân thọ cho gia đình chưa? Ở đầu giây bên kia, con mồi lúng túng thấy rõ: - Dạ, chưa anh! Ông chủ nhà của tôi bèn chuyển sang giọng thiết tha, thiết tha không kém già Hồ khi nói chuyện sửa sai hồi Cải Cách Ruộng Đất: - Chết chết, bây giờ mà anh còn chưa mua Life Insurance? Người ta mua ào ào kia kìa! Bản thân tôi đây cũng mua cho cả gia đình từ bao năm nay. Nhỡ mình có mệnh hệ nào, ngã lăn đùng ra thì vợ con đi ăn mày à? Anh có thương vợ con anh không? Sống ích kỷ quá đâu có được! Rồi ông ta hạ thấp giọng xuống: - Này này, moa bây giờ làm agent cho New York Life. Có cái plan này lợi cho người mua lắm, để moi giải thích cho toa! Thương toa, moa mới chỉ cách cho toa đấy nhé! Sau đó, ông ta nói huyên thuyên một hồi về "chương trình mới." Rồi hỏi ngay: - Thế nào, mua đi chứ? Cái Promotion này sắp expire rồi đấy! Chậm mua là phải đóng tiền cao hơn đấy, thiệt thòi lắm chứ không phải chơi đâu! - Anh để tôi bàn lại với "ma phăm" nhé, cám ơn anh! Ông chủ nhà quay lại nói với tôi: - Thằng này ngu quá, mình chỉ con đường tốt cho nó để đi mà lại không chịu bước vào, ngu đến thế mà không biết! Sau này, trong một bữa nhậu, lúc cả hai ngà ngà say, tôi mới hỏi ông ta: - Thế anh có mua Life Insurance không hả anh? Ông ta cười hề hề: - Sức mấy mà tao mua hả mày! Tiền tao đâu có "quởn" cho dzụ này! Một ông bạn nối khố của tôi, có bà vợ ở nhà suốt ngày vặn ra dô đài VN. Nghe ra rả mãi các chương trình Life Insurance, bị kích động không thể tả, bèn giục ông chồng đi mua Life Insurance cho 2 người. Ông bạn tôi đành mua 2 cái. Cái thứ nhất cho ông ấy chỉ có insure $100.000 thôi. Cái thứ nhì cho bà ấy thì mua đến 1 triệu đồng Huê Kỳ. Có lần bà ta "théc méc": - Sao anh mua cho anh ít thế, còn em thì nhiều thế, hả anh? Ông ta vừa hùng hồn vừa tha thiết, trả lời: - Em chẳng hiểu gì sất! Anh yêu em lắm, anh rất lo đến tính mạng và cuộc đời của em nên mới mua nhiều thế! Còn anh, đi lính, vượt biên, sống sót đến bi giờ, cái chết, cuộc đời anh coi nhẹ như lông hồng, bảo hiểm nhiều làm gì cho phí tiền. Ông ta thổ lộ với tôi: - Hà hà, mình nói thế mà nó tin như sấm, ông ạ! Thế mới biết, đàn bà dễ bị dụ là vậy! Rồi ông ta tỏ vẻ băn khoăn tợn: - À này, từ hồi mua bảo hiểm nhân thọ, mình hút thuốc lại mà con vợ mình nó chẳng cấm đoán gì cả! Hay là nó mong cho mình chết sớm để ẵm cái bảo hiểm một trăm ngàn đồng? Tháng vừa rồi, tôi bị cúm. Nó săn sóc tôi tận tình lắm, không biết có thật lòng không hay chỉ là ngọt nhạt thôi? Tôi nghi lắm, ông ạ! Mình vẫn yêu vợ lắm đấy chứ, nhưng từ hồi mua bảo hiểm nhân thọ cho nó, đôi khi đầu mình cứ phảng phất những ý tưởng... không được lương thiện cho lắm. Mẹ kiếp, hồi chưa mua đâu có dzậy, đầu óc vô tư lắm mà! Có một chuyện vui về bảo hiểm, tôi xin kể hầu quý bạn: Có một ông nọ bị đụng xe. Sau đó, ông ta cố tình giả vờ bị bại liệt, phải ngồi xe lăn để quyết lấy tiền bảo hiểm. Sau phiên tòa mà ông ta là kẻ thắng với 1 số tiền bồi thường khá lớn, luật sư của hãng bảo hiểm bực tức nói với ông ta: - Tôi biết ông giả vờ! Tôi sẽ cho người theo dõi ông ngày đêm. Ông mà rời khỏi chiếc xe lăn là biết tay tôi! Ông ta bình thản trả lời: - Anh biết tôi sẽ làm gì với số tiền bồi thường này không? Này nhé, tôi sẽ đi du lịch khắp nơi, sẽ đi Tầu này, Spain này, England này... Nơi cuối cùng tôi viếng thăm sẽ là nước Pháp. Tôi sẽ viếng tháp Eiffel này, ga Lyon đèn vàng này, vườn Luxembourg để xem lá rơi trên vai những pho tượng trắng này. Rồi tôi sẽ đến Lộ Đức, nơi Chúa thường ban phép lạ. Voilà, ở đấy, chờ xem, anh sẽ thấy phép lạ xẩy ra cho 1 kẻ ngoan đạo như tôi! Trước đây, kẻ viết bài này có "nghe lời đường mật" mà đóng Life Insurance được gần 7 năm. Mỗi tháng, 2 vợ chồng phải è cổ ra đóng gần 500 bạc vì theo lời Agent, sau 10 năm sẽ không phải đóng nữa, ngoài ra, sau 10 năm còn có được tiền lời để có thể ung dung dưỡng già. Ngay lúc đó, vợ chồng tôi đã mơ đến một tương lai huy hoàng như cổ tích. Này nhé, với tiền về hưu cùng với tiền lời từ Life Insurance, ai cấm vợ chồng mình sẽ dùng... xe lăn để đi du lịch khắp nơi, đi cả đến những xứ khỉ ho cò gáy như Miến Điện hoặc Hung Ga Ry chẳng hạn. Khoe nhà, khoe job, khoe vợ, khoe con, khoe cháu chán rồi, mốt bây giờ là khoe tiền hưu và khoe đi du lịch. Mà chẳng lẽ khoe đi Pháp, Tầu, Ý, Nhật là những chỗ ai cũng biết cả. Mình phải khoe những chỗ xa lạ như Hung Ga Ry, Hy Lạp, Perou... người ta mới nể, đúng không em? Rảnh ra thì đóng góp cho việc từ thiện (với điều kiện phải đăng tên tuổi mình với chữ đậm đàng hoàng). Vì không phải lo lắng tiền bạc nữa, anh sẽ dùng thì giờ rảnh rỗi để mần thơ, còn em sẽ phổ nhạc thơ anh và quát, xin lỗi, hát cho anh nghe, như em đã từng hát vào tai anh mấy chục năm nay có lẻ! Anh sẽ từ chức Hội Trưởng Hội ĐSV (Đếch Sợ Vợ) để bàn giao cho người tài đức hơn. Chắc chắn phải là 1 cụ ông với thành tích không thể tranh cãi là dọt về VN một mình mà không cần bà xã đồng ý (về VN mà có vợ đi cùng thì thà ở nhà còn hơn!) Sau đó, anh sẽ cố tranh chức Hội Trưởng Hội CSV (Cứ Sợ Vợ), lý do là vì hội này đông hội viên hơn nên làm Hội Trưởng có uy hơn, chả bù với cái hội Đếch Sợ Vợ, loe ngoe có vài mống mà lại cứ hăm dọa rút lui dần dần mới khổ chứ! Ở đất Mỹ này, hội viên Hội Sợ Vợ đông không thể tả, gạt đi hổng hết các cụ ạ! Sau này, hỏi 1 Agent khác thì mới biết, sau 10 năm, nếu bạn không có tiền đóng nữa thì hãng bảo hiểm sẽ dùng tiền bạn đã đóng để tiếp tục đóng để duy trì bảo hiểm của bạn, chứ không phải dùng tiền của hãng để đóng cho bạn (đừng tưởng bở!) Còn tiền cash value thì chỉ khoảng vài chục mỗi tháng cho vui (nghèo mà ham!) Tôi bèn bàn với cô vợ ngây thơ của tôi: "Em ạ, thôi mình dẹp vụ Life Insurance này cho rồi. Này nhé, nếu anh chết đi thì với tiền dành dụm của chúng mình và cơ sở thương mại của em, em và con dư sức sống còn. Vả lại ở xứ Mỹ này, với sức học cộng với khả năng Anh ngữ của nó, nó dư sức kiếm 50, 60 ngàn 1 năm để tư lo liệu cho bản thân. Chả bù với bố của nó, văn dốt võ dát, tiếng Anh thì ăn đong, trước đây chẳng bao giờ kiếm được trên 1,500$ một tháng mà vưỡn sống nhăn. Đến bi giờ, chỉ với tiền hưu non không thôi, mà anh vẫn thoải mái đi KHIÊU VŨ DƯỠNG SINH cũng như ăn PHỞ 50% OFF, có chết thằng Tây nào đâu? Cô vợ ngây thơ của tôi bèn hỏi: - Thế nếu em chết trước anh thì sao ? Thú thật với các bạn, khi nghe câu này, lòng tôi bồi hồi và xốn xang lắm, và cũng hồi hộp nữa. Vì thương vợ ra đi sẽ để mình ở lại mồ côi chăng? Vì thương thân mình sẽ đau khổ sống độc thân bất đắc dĩ, phải đi chợ mua bó rau, con cá, mắm muối hay sao? Cuộc đời 1 thằng thích hưởng thụ như mình, nếu vợ chết rồi thì sẽ ra nàm thao nhỉ? Chắc hẳn "khổ" nhắm! Có người khác lo cơm nước, hầu hạ mình chắc khó mà quen lắm. Người thay thế thì lại lạ nước lạ cái, bắt theo những fantasies của mình cho sát thì cũng phải tốn nhiều thì giờ chỉ bảo! Mà không biết "hắn" có chịu không, hay lại chê rằng "dơ", hoặc lại nghi ngờ về kiểu mẫu đạo đức Khổng Tử có thừa của mình? Mà nhỡ "hắn" tìm cách để dzớt tiền già của mình thì nàm thao? Ngoài ra, lại mất đi nhiều cái thú lắm, như cái thú ngồi ngoài xe mùa hè chờ vợ đi chợ, như cái thú rửa bát, như cái thú nghe vợ nói non-stop, như cái thú cãi nhau với vợ chẳng hạn... Tôi bèn tạo 1 bộ mặt nghiêm và buồn để trả lời vợ tôi: - Nếu em đi rồi, chắc anh phải bán nhà rồi về VN sống vậy. Ở đây, với bao kỷ niệm của tụi mình qua mấy chục năm hương lửa, anh cách chi mà sống nổi? Trong đầu tôi lúc ấy lại nghĩ như sau: "Nói chơi hay nói thiệt đó, bà nội, trông em phây phây thế kia thì làm sao mà đi trước anh nổi, thế là niềm mơ ước mùa Giáng Sinh đi đoong rồi, đời ta sẽ cứ thế mà tàn trong ngõ hẹp! May lắm còn khoảng 10 năm nữa, rồi ta sẽ như bao đấng trượng phu nam tử khác, cơm nhà quà vợ đến cuối đời, rồi đùng 1 cái bị stroke, thế là xong 1 kiếp người. Oh, yes, that's human bondage!!! Cuối cùng, vợ chồng tôi đồng ý bỏ luôn cái Life Insurance cà chớn này. Vậy mà cũng mất đi mười mấy ngàn tiền service, có ai làm không công cho mình đâu! Các bạn thử nghĩ xem, hiếm khi có hãng bảo hiểm nào file Bankruptcy lắm, còn các CEO của họ thì di chuyển toàn bằng phi cơ riêng. Lương thì 6, 7 con số. Tiền đó ở đâu ra, có phải từ những thằng khố rách áo ôm như mình, đã nghèo lại còn hay lo, đã lo lúc sống chưa xong mà lại còn lo sau khi chết vợ con sẽ ra sao nữa! Xin lỗi, nếu có quý vị nào đang bán bảo hiểm hoặc sẽ bán bảo hiểm, xin cứ coi đây là lời lẽ của 1 kẻ thiêú hiểu biết về bảo hiểm mà thôi. Còn quý vị đang có Life Insurance xin đừng vì những lời nói quàng xiên của tôi mà quit bảo hiểm. Có thể tôi và vợ tôi ngây thơ, còn các bạn có thể khôn hơn tôi. Mỗi người có 1 hoàn cảnh khác nhau và niềm tin cũng chẳng giống nhau, phải không các bạn? Nguyễn Giang
Khóa 7/68 KQ |
Huyền Sâm – Houston( Chị Võ Đoàn Hồng )Ừ thì là “Muối” đổ “Tiêu” vào trộn lên là xong. Muối trộn với tiêu Huế, tiêu Hà Tiên gì cũng được. Đó là cách suy nghĩ của tôi khi vào làm dâu Biên Hoà. Tất nhiên là tưởng vậy mà không phải vậy! Khi cô chồng tôi, cô Sáu, cho tôi ăn muối tiêu do cô làm, tôi thấy muối tiêu này ngon và khác lạ thiệt; vị muối không mặn lắm, hương tiêu thơm rất nồng, hương và vị quyện vào nhau đậm đà, đậm đà. Cô Sáu chỉ cho tôi làm thứ muối tiêu đặc biệt đó. Cô học được “món” này từ một người bà con bên ngoại gốc Huế một cách rất bài bản; trong đó then chốt phải có tiêu Huế. Cô giải thích “Tuy tiêu Huế nhỏ tí tẹo nhưng thơm nồng và cay lắm; phải có tiêu Huế mới ra thành phẩm Muối Tiêu Huế này được”. Kể ra cũng nghịch đời: Tôi dân Huế gốc, nay lại học “nghề” muối tiêu Huế nơi cô chồng, người Biên Hoà, miền Nam. Trước nhất là phải tập hầm muối. Những buổi đầu thực hành, vừa lúng túng, vừa hốp tốp; kết quả việc hầm muối thật đáng “độn thổ”: Lần nào không bị bể nồi đất thì cũng bị nứt chảo gang vì sức nóng khi hầm cho muối nhuyễn ra. Về sau “khéo” hơn một chút, bớt phải mua chảo gang, nồi đất vì làm đã quen; tới khi ra được thành phẩm ăn thấy ngon sinh ra thích làm cho bạn bè, tặng bà con. Dân Việt Nam ta ăn nhiều món chấm muối tiêu như bò nướng chanh, gà xé phay, hột vịt lộn. Mấy món này mà không có muối tiêu thì thiệt là... “vô duyên” phải không các vị. Ngày lịch sử 30 tháng Tư đến làm cả nước ta như đều có tội: Tù chồng đi lính, tù vợ bán chui, tù con vượt biển tìm tự do. Gia đình Miền Nam ta ít nào phải có một người ở tù mới vừa bụng “họ”. Vậy là người nhà chắt chiu bới xách đi thăm nuôi người thân. Gia đình bên chồng tôi cũng không ngoại lệ, có người chị chồng ở tù vượt biên bị bắt hai ba lần. Lần nào đi thăm nuôi trong giỏ đệm cũng luôn có hũ muối tiêu kèm theo. Khi tôi rời Việt Nam qua Mỹ đoàn tụ với chồng, các bạn tôi mất nguồn cung cấp muối tiêu quen thuộc; vài năm sau hai trong số đó ghé thăm nói rằng “Muối Tiêu” đã... theo tôi qua Mỹ, những người... thèm muối tiêu không biết xin ở đâu nên cử họ sang Mỹ “làm reo” tại nhà tôi. (hi hi). Bên Mỹ muối biển hay muối mỏ đều có; còn tiêu thì không biết họ nhập giống tiêu nào của Ấn Độ hay Tàu Xì mà khi trộn vào muối nó có mùi hắc hắc khó chịu, ăn... ”không vô”! Chẳng biết tiêu đó có bị trộn cả hột gòn vào không? Tôi phải biên thư nhờ các chị tôi ở Nha Trang liên lạc về Huế mua tiêu gởi sang giùm. Giống tiêu Hà Tiên các bạn gởi cho có đợt dùng được có đợt lại gây cho muối có mùi “nước mắm” khi trộn vào; phải chăng vì họ phơi tiêu quá nắng chăng? Tại mình ăn quen biết hương vị thơm ngon muốn chia xẻ hương vị tinh tế này đến bạn bè nên phải chịu cực và chọn lựa nguyên liệu hơi “khó tính” rứa nấy! Tôi thường dùng muối biển loại hột; khi hầm, hột muối mau nhuyễn mà không cháy, muối trở nên lạt hơn, nhẹ hơn vì xốp. Chính những cái “bọng xốp” li ti trống không trong hạt muối đã hấp thụ gần như trọn vẹn hương thơm của tiêu ở thời điểm trộn tiêu vào muối. Hương tiêu được cầm giữ trong đó, ấp ủ trong đó lâu dài cho đến khi bạn mở hũ muối tiêu Huế này ra hương thơm ấm nồng lâu ngày ủ trong đó phả ra nhẹ nhàng mà nồng ấm. Ở đây tôi muốn hầm muối trong nồi đất mà không có nên phải dùng chảo gang, vậy là chàng Hồng nhà tôi được nhận nhiệm vụ đi tìm, lựa chọn và khệ nệ rinh chảo về cho tôi trổ tài. Một lần vừa hầm xong hai mẻ muối, tôi... khều nhẹ chàng ta và chỉ vào cái chảo, “Anh ơi, 'nó' lại nứt rồi!" Ôi! Đôi mắt chàng! Đôi mắt chàng lúc xưa mới gặp nhau giống hai vì sao long lanh tình tứ đã rước nhẹ hồn tôi vào ẩn chứa trong đó, nay vừa nghe tôi nói xong bỗng trợn tròn như hai hòn bi verre, không ghé cho tôi chút tia âu yếm nào mà phóng thẳng vào cái chảo gang loại dầy đặc biệt mà chàng đã cất công đi tìm. Cái chảo gang thượng hạng, “niềm hãnh diện” của người mấy ngày trời đôn đáo... tìm mua sau hai mẻ hầm muối chỉ trong một ngày đã bị tay tôi tàn phá; rứa thì mần răng mà ấp ôm hình ảnh tôi trong mắt chàng được hỉ! Mặt hầm, cọc tánh là vậy, nhưng nghe bạn bè gọi, “nhớ gởi tao hũ muối tiêu nữa nghen, con tao nó “zớt” hũ kia về nhà nó rồi!” là chàng Hồng nhà tôi phóng ngay lên ngựa sắt 4 chân phi đường xa tìm về tặng tôi cái chảo gang khác cho tôi... tàn phá tiếp. Chàng Hồng của tôi quý bạn bè như thế đó. Vài người bạn đồng môn, đồng lớp với chàng thời trung học từ xa xôi về dự Hội Ngộ ở lại nhà xin ít “Muối Tiêu” đem về Pháp; gặp “Quan Thuế Tây” (hải quan) xét kỹ khui ra muối tiêu đổ tùm lum, bạn chàng kể, “nó hốt lại, nếm thử rồi xin một ít về cho mẹ” vì mẹ nó người việt Nam “thích ăn con vịt con trong trứng với muối tiêu này”. Nói về muối nguyên liệu, riêng tôi được biết và đã thử dùng:
Và còn một loại muối nữa của Việt Nam ta, từ một địa danh độc đạo là muối Hòn Khói. Hòn Khói ở mé gần Ninh Hoà. Muối vùng này, có màu hồng nhẹ rất thơm chẳng biết bây giờ còn không? Thật không sao quên được mùi vị muối ở quê hương ta.
Tất nhiên có lẽ vẫn còn nhiều lọai muối khác mà tôi chưa biết. Bài “Muối Tiêu” đến đây là hết. Hy vọng rằng tôi đã gởi được chút kỷ niệm “Muối mặn, Tiêu nồng”, cũng như chút ân tình luôn quý mến đến các vị.
Huyền Sâm |
Nguyễn Thị Ngọc Nhung
Kính thưa quí vị khách mời tham dự RU 46 đêm nay, Trước tiên tôi xin cám ơn ban tổ chức, nhất là anh Trần-Công Anh-Dũng đã ưu ái dành cho tôi vài phút nói lên cảm nghĩ về buổi tiệc họp mặt 46 năm quân ngũ Không Quân khóa 7/68. 46 năm là một cái mốc khá lâu của một đời người, nhưng cũng là bóng câu qua cửa sổ cho những thời gian bạn bè gặp gỡ, những giây phút tuyệt vời họp mặt đêm nay, hàn huyên kể lại những kỷ niệm thời trai trẻ trong quân trường, chấm dứt cuộc đời của những chàng thư sinh, mới hôm qua còn ở dưới mái trường với nét mặt ngây ngô hồn nhiên, đến những thời gian các anh thực thụ ra chiến trường, thôi thì kể sao cho xiết. Năm rồi là năm tôi được may mắn tham dự buổi Reunion RU 45 lần đầu tiên từ ngày tôi thành hôn với Quí. Tôi đã được biết sơ qua về chương trình cho ba buổi hội ngộ, Tiền Phi, Chánh Phi và Hậu Phi. Ngoài ra nghe nói trong buổi hội ngộ này tất cả bạn bè từ những tiểu bang xa xôi cũng về. Tôi có tánh hơi tò mò, nên khi vừa bước vào nhà hàng tôi đảo mắt xem có chị phu nhân của anh nào mà tôi quen biết ở địa phương tôi cư ngụ miền Bắc Cali chăng? Quả thật tôi nhìn thấy một vài chị, nhưng tùy theo sự sắp xếp của ban tổ chức tôi đưọc xếp vào một bàn chỉ duy nhất có một người mà tôi quen biết, còn lại là những chị tôi chưa quen. Nhưng ngay từ phút đầu tiên tôi đã được các chị đón nhận tôi như một người thân trong đại gia đình Không Quân khóa 7/68. Những chị ngồi cạnh tôi chắc có lẽ biết trước tôi là vợ của Quí và là lần đầu tiên tham dự RU 45 nên đã vồn vã tươi cười trò chuyện với tôi như đã thân quen từ lâu. Tôi thầm nghĩ “không có thứ gì gọi là lạ, chỉ có bạn bè mà ta chưa gặp mà thôi” mà người Mỹ thường nói “There are no such things as strangers, only friends that we have not yet met.” Ngoại trừ những anh chị trong ban tổ chức, mỗi người một việc chắc đã được phân công từ trước, đang cố gắng chu toàn trách nhiệm của mình. Tôi nhìn vòng quanh những người khách mời như tôi, người nào cũng lộ vẻ hớn hở, vui cười sung sướng đang được bạn bè tổ chức cho một buổi họp mặt hàn huyên, tâm sự chuyện xa xưa trong thời chiến, cho đến sau ngày mất nước tháng tư đen năm 75. Các anh thăm hỏi nhau, người thì may mắn đi kịp vào phút chót năm 75, kẻ kém may mắn ở lại phải đi học tập cải tạo, người còn kẻ mất. Rồi thời gian biến đổi, những đổi chác ngoại giao, cuối cùng những người tù cải tạo chính trị trong một cuộc chiến Ý Thức Hệ được thả, và được chánh phủ Mỹ cho nhập cư vào Mỹ theo dạng HO trong đó có bạn bè Không Quân của Quí. Tôi nhìn thấy cảnh tượng ấy liệu ba ngày ngắn ngủi này có đủ cho các anh? Các anh như muốn thời gian ngừng lại để bạn bè còn cả triệu chuyện để trút tâm sự kể cho nhau nghe. Nhưng người mà theo tôi đáng được vinh danh cho buổi tiệc Reunion này là các phu nhân của các anh. Các chị nhìn thấy các anh giờ thì tuổi càng ngày càng chồng chất, tóc đã đổi màu nhưng nét hào hoa phong nhã vẩn còn trên dáng dấp và gương mặt của các anh, nên các chị cũng chiều, đứng chung cùng các anh tổ chức mỗi năm một lần cho các anh vui chơi thỏa thích. Chắc chắn rằng ba ngày hội ngộ này sẽ không hoàn hảo nếu thiếu bàn tay của phu nhân các anh trong ban tổ chức. Người ta thường nói “đằng sau sự thành công nào của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ” phải không các anh? Năm rồi đi tiệc RU 45 nhìn Quí và bạn bè người nào cũng lộ những nếp nhăn trên gương mặt, tóc điểm sương nhưng nét hào hoa phong nhã vẩn còn đó. Cám ơn các anh chị trong ban tổ chức đã cho những người bạn những giây phút gặp gỡ tuyệt vời, những ngày hội ngộ không thể quên được mà nhà danh ngôn Charles Dickens đã khuyên nhủ “Hãy thổi bùng lên ngọn lửa vui tươi đang lịm tắt, với đôi cánh của tình bằng hữu, và hãy chuyển cho nhau chén rượu Lạc Quan” “Fan the sinking flame of hilarity with the wing of friendship; and pass the rosy wine.” Nhân đây tôi xin tặng riêng các anh một bài thơ “Tuổi Hạc, Tuổi Vào Thu” được chuyển dịch từ một tuyệt tác Pháp Ngữ của nhà thơ Marcelle Paponneau “Je Croyais Que Vieillir”. Còn quí chị dưới cặp mắt tôi quí chị vẩn còn sung, vẩn còn quá xuân, tặng quí chị chung bài thơ này với các anh e rằng không đúng ý và làm phật lòng tác giả.
Tuổi vào thu
Tôi cứ nghĩ tuổi già đầy nỗi sợ,
Nhưng nhận ra tuổi già không giới hạn,
Tôi vẫn tưởng tuổi già trời ảm đạm,
Chợt nhận ra tuổi già lòng lắng lại,
Tôi cứ ngỡ tuổi già hồn băng giá,
Bỗng nhìn thấy những đóa hồng đẹp nhất,
"JE CROYAIS QUE VIEILLIR..."của Marcelle Paponneau
Je croyais que vieillir me rendait bien maussade,
Et puis je m'apercois* que vieillir n'a pas d'âge,
Je croyais que vieillir c'était le ciel tous gris,
Et puis je m'aperçois que vieillir rend bien sage,
Je croyais que vieillir transformerait mon âme,
Et puis je m'aperçois que les plus belles roses Nguyễn Thị Ngọc Nhung |